Theo điều 16d Luật Cư trú Đức có thể cấp thị thực cho mục đích công nhận trình độ nghề nghiệp đào tạo tại nước ngoài.
Xin lưu ý: Kể từ ngày 02/03/2020 chỉ có thể nộp hồ sơ xin cấp thị thực loại này tại công ty cung cấp dịch vụ bên ngoài VFS Global
Những giấy tờ cần nộp trong thủ tục xin cấp thị thực:
Đề nghị Quý vị nộp bản gốc và hai bản photo không công chứng những giấy tờ sau. Đề nghị Quý vị soạn những giấy tờ photo thành hai bộ hồ sơ đầy đủ. Quý vị sẽ nhận lại các bản gốc sau khi xét duyệt xong hồ sơ.
Đề nghị Quý vị nộp kèm bản dịch tất cả những giấy tờ không bằng tiếng Đức (trừ những giấy tờ bằng tiếng Anh).
Đề nghị Quý vị sắp xếp các bộ hồ sơ theo thứ tự sau đây:
- Tờ khai xin cấp thị thực quốc gia (thị thực dài hạn), được khai đầy đủ và có chữ ký của người nộp đơn (tờ khai trực tuyến „Videx“ ).
- Hai ảnh hộ chiếu sinh trắc học, cỡ 45 mm x 35mm (Hướng dẫn về ảnh chụp xin cấp thị thực). Đề nghị Quý vị dán 1 ảnh vào tờ khai xin cấp thị thực và nộp 1 ảnh để rời.
- Hộ chiếu có giá trị (hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu được công nhận).
1) Trường hợp nhập cảnh với thông báo công nhận một phần:
– Thông báo công nhận (một phần) của cơ quan có thẩm quyền của bang, trong đó công nhận hoàn toàn trình độ nghề nghiệp hoặc nêu những điều còn thiếu về chuyên môn và xác định những khóa đào tạo bổ sung kiến thức cần thiết để bù đắp những kiến thức thiếu hụt (Việc cần thiết phải tham gia khóa học thêm hoặc thi kiểm tra kiến thức).
Quý vị có thể xem thông tin về thủ tục công nhận tại Đức tại Cổng thông tin của Chính phủ liên bang Đức về công nhận trình độ nghề nghiệp đào tạo tại nước ngoài.
Để được tư vấn chuyên sâu hơn và hỗ trợ trong quá trình làm thủ tục công nhận, quý vị vui lòng liên hệ với Zentrale Servicestelle Berufsanerkennung (ZSBA).
– Xác nhận của bên cung cấp khóa đào tạo về việc đăng ký khóa đào tạo bổ sung kiến thức hoặc đăng ký thi kiểm tra kiến thức với thông tin chi tiết về loại hình và thời gian của khóa đào tạo có liên quan đến các kiến thức thiếu hụt được xác định trong quyết định công nhận một phần.
Chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo phải thể hiện rõ ai là người sẽ hướng dẫn người nộp đơn và cách thức để đạt được mục tiêu bù đắp những kiến thức thiếu hụt được xác định trong quyết định công nhận một phần.
– Bằng tốt nghiệp đại học hay tốt nghiệp nghề tại Việt Nam.
– Bảng lý lịch tự khai.
– Chứng nhận có đủ bảo hiểm y tế trong thời gian lưu trú, nếu hợp đồng không nêu rõ rằng bên sử dụng lao động/cơ sở đào tạo sẽ đóng bảo hiểm y tế cho người nộp đơn. Trong một quan hệ lao động phụ thuộc thì thông thường bên sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm bắt buộc theo luật định. Nếu nộp xác nhận bảo hiểm hay hợp đồng bảo hiểm thì trong đó phải nêu rõ là bảo hiểm cho toàn bộ thời gian lưu trú làm việc tại Đức. Nếu không nêu rõ thì phải nộp thêm xác nhận của cơ quan bảo hiểm y tế về việc này.
– Chứng minh bảo đảm chi phí sinh hoạt:
Thông thường bằng hợp đồng lao động và mô tả vị trí làm việc cho khoảng thời gian trước và sau khi được công nhận.
Trường hợp không làm việc trong thời gian tham gia khóa đào tạo bổ sung kiến thức có thể nộp thay bằng giấy xác nhận có tài khoản phong tỏa (xem thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Đức) cho thời gian làm thủ tục công nhận với số tiền tối thiểu 827 Euro/1 tháng.
– Chứng minh trình độ tiếng Đức, ít nhất đạt trình độ bậc A2:
Để chứng minh trình độ tiếng Đức người nộp đơn cần trình chứng chỉ ngoại ngữ do một cơ sở tổ chức thi được cấp phép theo tiêu chuẩn của Hiệp hội khảo thí ngôn ngữ châu Âu (ALTE: Association of Language Testers in Europe) cấp. Những chứng chỉ ngoại ngữ được công nhận hiện nay là:
a) Chứng chỉ ngoại ngữ của Viện Goethe e.V.
b) Chứng chỉ ngoại ngữ của telc GmbH.
c) Chứng chỉ ngoại ngữ của Áo (ÖSD).
d) Chứng chỉ “TestDaF” của Viện TestDaF e.V. (Viện Đại học từ xa Hagen và Đại học Ruhr Bochum, chỉ kiểm tra trình độ từ bậc B2 GER).
Chứng chỉ ngoại ngữ phải được cấp trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Cũng xin lưu ý rằng nếu bài thi chứng chỉ ngoại ngữ bao gồm các mô-đun khác nhau, thì Quý vị phải thi tất cả các mô-đun này tại cùng một cơ sở tổ chức thi. Việc thi các mô-đun khác nhau tại các cơ sở tổ chức thi khác nhau không đáp ứng được yêu cầu về chứng minh trình độ tiếng Đức.
– Chứng nhận có đủ bảo hiểm y tế để nhập cảnh, cho thời gian tối thiểu 3 tháng kể từ ngày nhập cảnh mong muốn.
2. Trường hợp được công nhận toàn phần:
- Văn bằng công nhận của cơ quan có thẩm quyền của bang.
- Hợp đồng lao động và mô tả vị trí làm việc cho khoảng thời gian sau khi được công nhận.
- Chứng minh trình độ tiếng Đức, ít nhất đạt trình độ bậc A2.
- Chứng nhận có đủ bảo hiểm y tế (xem ở trên).
Cơ quan đại diện CHLB Đức có quyền yêu cầu người nộp đơn trình thêm các giấy tờ khác nếu cần thiết.
Miễn trừ trách nhiệm
Tất cả thông tin trong hướng dẫn này dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của Cơ quan đại diện ngoại giao tại thời điểm ban hành. Không thể căn cứ vào hướng dẫn này để đưa ra khiếu nại pháp lý.
(Nguồn: Đại Sứ Quán CHLB Đức)
Xem Thêm: Thị thực đi du học nghề kép tại Đức, Các trường du học nghề uy tín tại CHLB Đức, Thông báo Khai Giảng lớp tiếng đức K16, Du học nghề Đức là gì và làm thế nào để tham gia?, Visa cho mục đích học khóa học ngoại ngữ cấp tốc tại Đức.